quang-cao
Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Bí quyết nấu canh cua rau đay ngon nổi gạch từng mảng

- Không biết nhà các mẹ khác thế nào, nhà mình cứ một tuần phải nấu canh cua cho cả nhà ăn một lần dù bận vì ai cũng thích ăn canh cua.
Nhất là con gái nhỏ 7 tuổi, cháu rất thích ăn canh cua đồng nấu với rau đay, mồng tơi và mướp hương. Hôm nào có canh cua là cháu ăn liền 1 bát cơm chan canh và uống thêm 2 bát canh nữa. Ai ăn cũng khen ngon và dễ ăn, nhất là khi ăn canh cua cùng với bát cà pháo thì đưa miệng phải biết.

Do đã từng nấu canh cua đồng rất nhiều lần cho các thành viên gia đình vì thế mình cũng tạm nhận là một trong những người nội trợ biết nấu canh cua đồng ngon. Do đó, mình xin chia sẻ với các mẹ khác về món ăn này vì nó thực sự là món canh rất ngon và mát trong mùa hè đấy.

Dù canh cua có rất nhiều kiểu nấu, nấu chua, nấu riêu, nấu với các loại rau nhưng nhà mình thì vẫn chuộng nhất nấu canh cua đồng với rau đay, mồng tơi và mướp hương nhất. Bởi vì nấu canh cua với 3 loại rau này, nước sẽ vừa thơm vừa ngọt. Chưa kể ai thích ăn rau thì vẫn có thể được ăn rau ngon lành.

Nói chung, muốn canh cua đồng ngon và thơm, trước hết các mẹ phải chú ý cách chọn cua nhé. Theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên chọn những con cua cái vì thịt cua cái chắc, nhiều gạch. Không nên chọn những con cua đực mặc dù to hơn nhưng thịt không và nhiều gạch bằng. Thậm chí, càng không nên sơ ý hoặc tiếc rẻ mà chọn làm ở những chú cua đã chết vì sẽ làm bát canh cua không còn ngon nữa và có mùi rất tệ.

Dù có bận rộn đến đâu, khi mua cua ngoài chợ về, các mẹ không nên để người bán tự chọn cua mà nên tự chọn, làm cua và xay cua tại nhà. Như vậy nước canh cua vừa sạch lại ngọt hơn.

Khi xay thịt cua, bạn nên dùng cối nhỏ giã nhỏ cua và lọc. Nhớ cho thêm 1 chút muối, bột canh vào thịt cua trong quá trình giã nhé. Và lúc mới đặt lên bếp nấu thì lấy đũa dài khuấy đều. Sau khi nước ấm nóng hơn các mẹ nên đun nhỏ lửa, mở hé vung để tránh canh cua trào ra ngoài là được.

Khi khều gạch cua ra, các mẹ nên phi gạch cua với hành khô thật thơm rồi mới đổ gạch vào đảo qua cho dậy mùi. Sau đó trút vào nồi nước lọc cua, làm như vậy nồi canh sẽ rất thơm và gạch sẽ có màu vàng óng rất hấp dẫn. Khi cho rau vào thì các mẹ cũng đừng đổ ào ào nhé, nên lựa 1 góc để cho rau vào nồi và dìm rau xuống nhẹ nhàng. Như vậy sẽ không làm nát hoặc vỡ gạch cua.

Cứ làm theo cách của mình, các mẹ sẽ không còn phải kêu ca tại sao mình nấu canh không thấy một cục gạch cua đóng váng hay gạch cua cứ trộn lẫn tứ tung với nước dù nước vẫn trong. Cách này cũng đảm bảo cho các mẹ khi bắc nồi canh cua xuống, bạn sẽ có cả một nồi gạch cua. Nước cua rất trong không cần phải lấy muôi có lỗ hớt riêng phần gạch ra để vào bát rồi mới tiếp tục đổ vào nồi rau khi rau đã chín...

Nói chung, nấu canh cua đồng với rau mồng tơi, rau đay và mướp hương nếu muốn thanh thì bạn có thể nấu suông mà không nhất thiết phải chưng riêu lên. Nhưng nhà mình thì thích trưng riêu cua như thế! Các mẹ cứ thử xem nhé!
TOP