Cái tên cao lầu luôn là món ăn hấp dẫn khách du lịch xa gần mỗi khi trải nghiệm không gian cổ kính ở phố Hội. Đó là món ăn mang trong mình sự sáng tạo, tài hoa của người Hội An để năm 2014, Tạp chí Huffington Post của Mỹ đã từng ca tụng cao lầu Hội An là một trong những món thuộc “kho tàng ẩm thực của Việt Nam”.
Bạn có thể tìm thấy Cao lầu ở bất cứ đâu của Hội An, nhưng để thưởng thức hương vị đúng chuẩn nhất, bạn hãy ghé 26 Thái Phiên, 27 và 87 Trần Phú. Và không thể không nhắc đến cao lầu gánh: Cao lầu bà Bé (trong khu chợ đầu đường Trần Phú) hoặc Cao lầu bà Thanh (đường Trần Cao Vân), Cao lầu ông Hai trong chợ vải Hội An... với giá mỗi tô 15.000 - 30.000 đồng.
Cao lầu dù có một vài nét tương đồng với mỳ Quảng, nhưng lại được chế biến công phu hơn nhiều. Để sợi mỳ được vàng và ngon, người ta phải dùng loại tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo thì mới tạo được độ giòn, dẻo khô đặc trưng. Nước xay gạo phải là nước lấy từ giếng Bá Lễ, một giếng nước trong và mát lạnh.
Cao lầu không cần nước lèo, nhưng ngon hay không lại phụ thuộc vào nước xíu. Người ta dùng thịt heo đùi nguyên khổ ướp nước mắm, ngũ vị hương và gia vị để vài tiếng cho thật thấm. Sau đó, xíu thịt với lửa vừa phải. Khi thịt chuyển màu vàng ươm, bốc mùi thơm ngây ngất thì vớt thịt ra. Cuối cùng, cho hỗn hợp cà chua, hành tây đã xay nhỏ với dầu vào nước thịt xíu để làm nước xốt.
Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống được lấy ở làng rau Trà Quế nổi tiếng. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tóp mỡ và mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Thêm vào đó miếng cao lầu khô được chiên giòn rụm. Và nhất định phải có trái ớt xanh vừa cay xè vừa giòn tan thì mới đủ vị.
Bước ra khỏi phố Hội, cao lầu đã đổi thay ít nhiều. Chỉ có ở Hội An, cao lầu mới có đủ hương sắc của một món ăn miền Trung tinh tế và cổ vị. Phải chăng vì, chính nước giếng Bá Lễ, tro Cù lao Chàm và rau sống Trà Quế đã làm nên món ăn đặc trưng này?